»

Một số ý kiến về hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian gần đây

Thứ sáu - 06/05/2016 20:09
Bài viết của TS. Nguyễn Thuần Anh, Trưởng BM Đảm bảo Chất lượng và An toàn Thực phẩm, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang. 
Khoa KHCT - Người duyệt: Vũ Xuân Quỳ
 

Các nguyên nhân gây chết cá hàng loạt trong thời gian vừa qua ở nước ta có thể là do các chất hóa học được xả thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị… không được xử lý đúng cách trước khi đưa ra môi trường hoặc do hiện tượng thủy triều đỏ... Tất cả đều có sự tham gia của con người.

Việc xác định chính xác nguyên nhân cá chết hoàn toàn không đơn giản vì khi phát hiện ra cá chết thì hiện trường gây ra cá chết đã thay đổi gần như hoàn toàn do biển rộng mênh mông và thay đổi liên tục.

Cho dù có tìm được nguyên nhân hay không tìm được nguyên nhân thật sự thì sự việc cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua đã làm thức tỉnh không ít người về ý thức bảo vệ môi trường.

Hiện tượng thủy triều đỏ đã từng là một trong những nguyên nhân gây nên nhiều vụ cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên thế giới và là hiện tượng xảy ra trong tự nhiên có từ lâu đời và có xu hướng gia tăng trong khoảng hai thập niên vừa qua. Hiện tượng thủy triều đỏ ở Bình Thuận năm 2002 đã làm chết hàng loạt hải sản; môi trường bị ô nhiễm nặng, mấy tháng sau mới hồi phục. Thủy triều đỏ là hiện tượng bùng nổ về số lượng và nở hoa của tảo, khi đó hàm lượng ôxy trong nước bị giảm thiểu nhanh chóng và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển. Trên thực tế, từ “đỏ" trong khái niệm này không thật sự chính xác, bởi vì khi hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc có khi màu cám gạo... Màu của hiện tượng phụ thuộc vào loại tảo bùng phát về số lượng. Bên cạnh đó, từ thủy triều cũng dễ gây hiểu nhầm vì thực chất hiện tượng không hề liên quan đến thủy triều.

Màu của hiện tượng “thủy triều đỏ” phụ thuộc vào loại tảo bùng phát về số lượng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nở hoa của tảo như sự trao đổi lưu lượng nước kém; sự thay đổi bất thường của các điều kiện thời tiết; vận chuyển giống nuôi thủy sản mang theo bào tử của tảo độc từ nơi này sang nơi khác. Bên cạnh đó, sự phát triển của giao thông biển cũng là một nguyên nhân. Cụ thể là nước biển có chứa tảo độc được bơm vào tàu để dằn tàu, sau đó đến nơi lấy hàng lại được bơm ra để chất hàng lên, vì vậy các con tàu này đã mang tảo độc đến những vùng biển chưa từng có loại tảo này. Hơn thế nữa, điều kiện thuận lợi khiến cho tảo phát triển mạnh và nở hoa còn vì một nguyên nhân chính đó là sự gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong môi trường nước do các hoạt động nuôi trồng thủy sản và nước thải sinh hoạt của con người gây ra.

Độc tố do tảo sinh ra gồm nhiều nhóm khác nhau như PSP gây liệt cơ, DSP gây tiêu chảy, ASP gây mất trí nhớ, NSP gây ngộ độc thần kinh… Các độc tố này được tích lũy trong thịt động vật thủy sinh thông qua chuỗi thức ăn và gây ngộ độc do ăn hải sản chứa độc tố và gây dị ứng da do tiếp xúc với độc tố với các triệu chứng ngứa, phồng rộp da khi tắm biển.

Bên cạnh nguyên nhân liên quan đến hiện tượng thủy triều đỏ ở trên thì một nguyên nhân khác gây nên rất nhiều lo lắng đó là các chất hóa học được xả thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị… mà không được xử lý đúng cách trước khi đưa ra môi trường và do quá trình rửa trôi của các con sông, suối khi đi qua các vùng đất có chứa kim loại nặng rồi đổ ra biển. Hải sản sống trong nguồn nước nên có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng cao từ môi trường biển. Trong số các chất hóa học thì mối nguy kim loại nặng thuỷ ngân (Hg), cadimi (Cd) và chì (Pb) gây nên nhiều lo lắng hơn cả bởi các kim loại nặng này rất độc ngay cả khi ở nồng độ thấp và chúng có tính tích lũy để tăng về lượng trong chuỗi thực phẩm và tăng về lượng để đạt đến liều gây bệnh trong cơ thể người.

70% lượng kim loại nặng đi vào cơ thể con người qua con đường tiêu hóa, phần còn lại đi vào cơ thể qua da và hô hấp (ví dụ nhiễm chì vào cơ thể qua hít phải khói xăng xe có pha chì, nhiễm cadimi vào cơ thể qua khói thuốc lá…). Số lượng và tốc độ hấp thụ kim loại nặng qua đường tiêu hóa của cơ thể phụ thuộc vào thể trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và độ tuổi... Phần lớn kim loại nặng vào cơ thể con người được đào thải, còn một phần ít được giữ lại và dần được tích luỹ theo thời gian, khi đủ lượng sẽ gây độc cho cơ thể.

Chì thường tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Chì ảnh hưởng mạnh lên quá trình tổng hợp máu; gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên, gây tổn thương thận; làm giảm thải loại axít uric qua nước tiểu nên gây tăng axít uric và bệnh gout; gây giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ giới. Chì qua được nhau thai để tới bào thai. Nếu mẹ bị ngộ độc chì thì bào thai sẽ bị ngộ độc chì gây nguy cơ chậm phát triển của thai, dị dạng thai. Hàm lượng chì trong máu tăng có thể rút ngắn thời gian mang thai, giảm cân nặng của trẻ khi sinh, gây chậm phát triển trẻ sau sinh. Thông qua nhiều cơ chế khác nhau chì gây tăng co bóp thành mạch máu dẫn tới tăng huyết áp. Ngộ độc chì gây giảm chức năng tuyến giáp, chức năng nội tiết tuyến yên - thượng thận. Chì làm giảm hình thành xương mới, cản trở chuyển hóa canxi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D và giảm chiều cao ở trẻ em bị ngộ độc chì.

Cadimi có thể gây vàng men răng, tăng men gan, loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, phá huỷ tuỷ xương, ảnh hưởng đến nội tiết, máu, tim mạch, làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi... Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế đã xếp cadimi vào nhóm các chất gây ung thư cho người. Cadimi cạnh tranh với canxi trong calmodulin và canxi bị bài tiết theo nước tiểu ra ngoài, kéo theo các bệnh lý về xương như làm yếu xương, biến dạng xương, hủy mô xương, gây ra chứng loãng xương.  Vào năm 1955, tại Nhật Bản, các nhà máy khai thác mỏ đã thải các chất bẩn xuống sông Jinzu mà nước sông lại được sử dụng để tưới 1500 mẫu ruộng lúa nằm dọc theo 2 bên bờ nên đã làm nhiễm nghiêm trọng cadimi, gây hậu quả là những người sống ở lưu vực sông Jinzu bị bệnh nghiêm trọng liên quan tới xương, có tên gọi bệnh itai-itai. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm bằng cách xây dựng mô hình bệnh itai-itai ở chuột cho thấy mức can-xi từ xương được bài tiết trong phân tăng lên. Nghiên cứu 1021 người đàn ông và phụ nữ bị nhiễm độc Cadimi ở Thụy Điển cho thấy nhiễm độc kim loại này có liên quan đến gia tăng nguy cơ gãy xương ở độ tuổi trên 50. Các nguyên tố kẽm (Zn), thiếc (Sn), sắt (Fe) bị cadimi cạnh tranh. Khi có sự tranh chấp dẫn đến sự đảo lộn của nhiều quá trình sinh học trong cơ thể đã gây ra rối loạn tiêu hoá và các chứng bệnh rối loạn chức năng thận, thiếu máu, tăng huyết áp, phá huỷ tuỷ sống...

Metyl thủy ngân là dạng hóa học gây tác dụng độc nghiêm trọng nhất trong các dạng hóa học của thủy ngân. Metyl thủy ngân được chuyển hóa từ thủy ngân vô cơ trong các lớp trầm tích ở đáy sông và đại dương dưới tác dụng của vi khuẩn. Methyl thủy ngân nhiễm vào thủy sản và gây độc cho người tiêu dùng. Metyl thủy ngân gây độc thần kinh. Metyl thủy ngân đi qua được nhau thai nên có khả năng gây quái thai hoặc gây ra những dị tật ở trẻ sơ sinh. Ở những vùng dân cư bị nhiễm độc metyl thủy ngân, các nghiên cứu cho thấy có các tác dụng độc đến các nhiễm sắc thể và có thể di truyền hiệu ứng gây độc cho đời sau. Thời gian bán hủy của thủy ngân ở người lớn là 40 - 50 ngày, đào thải chủ yếu qua phân (90%) nước tiểu và một phần nhỏ qua da và nước bọt. Người bị bệnh thận mà nhiễm độc thủy ngân thì sự thải loại thủy ngân bị cản trở.

Các kim loại nặng với các độc tính như đã nêu trên cộng với khả năng tích lũy mà còn bị con người thải loại vô ý thức ra môi trường thì không sớm thì muộn cũng sẽ gây những hậu quả khôn lường.

Giải pháp để hạn chế phần nào các tác động từ con người đến môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của con người:

Hầu hết các nước phát triển đều ý thức được các tác động đến môi trường của các chất thải công nghiệp nên đã có các qui định rõ ràng và kiểm soát nghiêm ngặt việc xử lý chất thải trước khi thải loại. Họ rất chú trọng trong việc qui hoạch khu công nghiệp ở những vị trí không gây ô nhiễm diện rộng, tránh gây hiệu ứng dây chuyền và luôn chuẩn bị sẵn phương án dự phòng khi có sự cố. Đặc biệt những khu công nghiệp luôn có hệ thống xử lý chất thải được kiểm soát nghiêm ngặt, đúng qui trình.

Bài học về ô nhiễm kim loại nặng rất nặng nề đã có ở Nhật và hiện nay người Nhật đã có biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ về mối nguy kim loại nặng. Chất lượng thủy hải sản được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, vùng đánh bắt cũng được công bố rõ ràng và được kiểm soát chặt chẽ.

Cần tiến hành ngay chương trình nghiên cứu, kiểm soát tảo độc hại để đảm bảo sự an toàn môi trường nuôi, đảm bảo an toàn hệ sinh thái ven biển và đảm bảo sản lượng thủy sản không bị ảnh hưởng bởi các đợt nở hoa của tảo độc. Quan trọng hơn là để đảm bảo các sản phẩm thủy sản trong khu vực đó an toàn đối với người tiêu dùng.

TS. Nguyễn Thuần Anh.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Tin khác

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 635

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2000

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3111671

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 10-05-2016 03:46:53 AM
Đăng lúc: 10-05-2016 03:45:57 AM
Đăng lúc: 10-05-2016 03:45:35 AM
Đăng lúc: 10-05-2016 03:45:15 AM
Đăng lúc: 10-05-2016 03:44:46 AM
Đăng lúc: 10-05-2016 03:44:16 AM
Đăng lúc: 10-05-2016 03:43:54 AM
Đăng lúc: 10-05-2016 03:42:44 AM
Thông tin bản quyền
    + Bản quyền thuộc Trường THPT Nguyễn Trãi
    + Đ/C: Khuông Việt , Đà Nẵng